Cuộc đời Gia_Cát_Tịnh

Gia Cát Tịnh là con trai út của Chinh đông tướng quân Gia Cát Đản nhà Tào Ngụy ; có chị gái (không rõ tên) là Lang Gia vương phi (tức là vợ cả của Lang Gia vương Tư Mã Trụ, con trai Tư Mã Ý) , về sau là bà nội của Tấn Nguyên đế Tư Mã Duệ.

Năm 257, Gia Cát Đản chiếm cứ Thọ Xuân chống lại quyền thần Tư Mã Chiêu, sai trưởng sử Ngô Cương đem Gia Cát Tịnh sang Đông Ngô làm con tin, để cầu viện binh. Gia Cát Đản cố thủ được một năm thì thành vỡ, bị tru di tam tộc; Gia Cát Tịnh ở lại Đông Ngô.

Gia Cát Tịnh được nhà Ngô cho làm quan. Vào buổi triều hội, Ngô Mạt đế Tôn Hạo hỏi ông:

“Tên tự của khanh là Trọng Tư, khanh lo nghĩ gì thế?”

Ông đáp:

“Ở nhà thì lo nghĩ để hiếu kính với cha mẹ, làm việc thì lo nghĩ để trung thành với nhà vua, kết giao thì lo nghĩ để thành tín với bạn bè. Thần chỉ lo nghĩ như thế mà thôi.”

Năm 265, Ngô Mạt đế Tôn Hạo dời đô đến Vũ Xương, Tịnh đang ở chức Hữu tướng quân, cùng Ngự sử đại phu Đinh Cố trấn thủ Kiến Nghiệp . Năm 266, người Vĩnh An là Thi Đãn khởi nghĩa, tôn em trai của Ngô Mạt đế là Vĩnh An hầu Tôn Khiêm làm chúa, đưa hơn vạn người tiến đến Kiến Nghiệp. Tịnh cùng Đinh Cố chặn nghĩa quân ở Ngưu Đồn, đánh cho họ đại bại; Thi Đãn bỏ trốn, Tôn Khiêm bị bắt, bèn tự sát . Tịnh ở Đông Ngô làm đến Đại tư mã .

Năm 280, tướng Tấn là Vương Hồn tiến quân áp sát Ngưu Chử, Tịnh theo thừa tướng Trương Đễ đem 3 vạn quân vượt sông nghênh chiến. Quân Ngô vây đánh 7000 quân Tấn của Trương Kiều ở Dương Hà Kiều, Trương Kiều xin hàng, Tịnh đòi giết sạch họ, Đễ không nghe mà đồng ý nhận hàng. Đôi bên đại chiến ở Bản Kiều, quân Tấn rất mạnh mẽ, lại thêm Trương Kiều tập kích phía sau, khiến cho quân Ngô đại bại. Trương Đễ tử trận, còn Tịnh đưa 5, 600 người lui chạy.

Sau khi Ngô Mạt đế đầu hàng, Tịnh cùng quần thần theo Mạt đế đến Lạc Dương. Tấn Vũ đế niệm tình Tịnh cùng mình là bạn cũ, triệu làm Đại tư mã, ông vì thù giết cha nên không nhận. Tịnh lánh ở nhà chị, Vũ đế đến tận nơi, ông bèn trốn vào nhà xí. Vũ đế ép ra gặp, Tịnh đành chịu; Vũ đế nhắc lại tình bạn cũ, ông rơi nước mắt nói:

“Thần không thể nuốt than, sơn mình [2], hôm nay lại thấy thánh nhan.”

Tấn Vũ đế xấu hổ bỏ về. Sau đó lại được bái làm Thị trung, cố từ không nhận, bỏ về quê nhà. Tịnh luôn ngồi quay lưng lại với triều đình ở Lạc Dương, trọn đời không làm quan nhà Tấn, được người đời khen là hiếu.